Tuesday, February 27, 2007

Về giải Oscar 2007

“Nếu không có sự hiện diện của người da đen, da màu, người Do Thái, cả người đồng tính, lần trao giải này sẽ không phải là Oscar! Hoặc bạn cũng có thể nghĩ rằng ai cũng đoạt được giải Oscar”.

Ellen
DeGeneres, người dẫn chương trình trao giải Oscar 2007
--
Nguồn: Tuổi trẻ

Sunday, February 25, 2007

Vua và Vua


Nguồn BP News
Người Khác trích dịch
--

Như những truyện tranh thông thường cho trẻ em, “Vua và Vua” bắt đầu với giọng điệu ngây thơ: Trên ngọn núi cao nhất của kinh thành có một nữ hoàng, hoàng tử trẻ và một chú mèo. Nữ hoàng đã trị vì trong nhiều năm và bà muốn nghỉ ngơi.

Nữ hoàng định bụng truyền ngôi cho hoàng tử. Nhưng trước hết, bà muốn con kết hôn với một công chúa. Bà cho người đi khắp nơi để tìm một công chúa tuyệt trần. Nhưng đến cuối truyện, hoàng tử chẳng chọn công chúa nào, mà lại chọn một hoàng tử khác. Vâng, một hoàng tử. Cuốn sách 29 trang này khép lại bằng một đám cưới đồng tính, với những câu kết có vẻ quen thuộc: Nữ hoàng mừng rơi lệ và hai người đàn ông sống với nhau hạnh phúc đến trọn đời.

Vua và Vua, một cuốn sách sống động và tài tình nhắm đến trẻ em từ 6 tuổi trở lên, đã trở thành tâm điểm của một cuộc tranh luận ở Bắc Carolina đầu năm nay khi một nữ học sinh lớp 1 trả nó lại cho thư viện của trường vì nó khiến bố mẹ của cô bé mất hết tinh thần. Cuốn sách chỉ là phần nổi của núi băng trôi trong cuộc tranh cãi khắp nước về vấn đề đồng tính trong các nhà trường. Các nhà hoạt động xã hội về tình dục đồng giới đã thu được những kết quả đầy ý nghĩa trong những năm gần đây và ảnh hưởng của họ đã lan tới nhiều thành phố cả lớn lẫn nhỏ ở Mỹ. Hơn 3.000 trường phổ thông trên 50 bang có câu lạc bộ liên kết Gay/Straight. Rất nhiều trường từ cơ sở đến trung học đã đưa vào chương trình giáo dục giới tính nội dung về đồng tính luyến ái, trong đó khẳng định đồng tính luyến ái là tự nhiên và không thể thay đổi…

Xem tiếp tiếng Anh

-------------------------------------

Gia đình là gì?

Đầu năm nay, ở Lexington, Massachussets, cuốn sách tranh “Gia đình có ai” được phát cho trẻ mẫu giáo mang về nhà. Cuốn sách tính đến cả những cặp bố mẹ đồng tính, trong đó có cảnh một cô bé chuẩn bị ăn tối với hai người bố. Ở một đoạn khác, người ta thấy những đứa trẻ đang chơi với hai người mẹ của chúng.

Friday, February 23, 2007

Đồng tính dễ lây, hay dị tính dễ lây?

Báo Sài Gòn giải phóng ngày 28/12/2006 đăng bài "Đồng tính đang là mốt?" của tác giả Tùng Khanh, trong đó bày tỏ nỗi lo sợ "bệnh" đồng tính lây lan. Những nhận xét thiếu cơ sở của Tùng Khanh (tôi sẽ phân tích trong một post khác) khiến tôi nhớ tới 1 bài viết khá hóm hỉnh đăng trên Talawas năm 2002. Dưới đây là toàn văn bài viết đó:

Dịch dị tính luyến ái, một căn bệnh dễ lây
Ý Nhi

Người ta bảo xác suất con nuôi của một cặp đồng tính là đồng tính luyến ái là 80%. Bản thân tôi thấy xác suất bị lây dị tính luyến ái còn cao hơn thế nhiều. Cứ tính sơ sơ thế này thì biết ngay bệnh nào ghê gớm hơn bệnh nào nhé. Từ tiểu học đến đại học, hầu hết thầy cô giáo của tôi là dị tính, truyền nhiễm qua không khí hay thế nào đó tôi không biết, chỉ biết là đến cuối niên học đếm ra 34 đứa mỗi lớp trở thành dị tính luyến ái. Tôi, đứa thứ 35, là đồng tính luyến ái, miễn nhiễm. Okay, tôi nói hơi quá, 33 đứa bị lây bệnh dị tính, đứa thứ 34 thì gật gừ, ngày bệnh ngày không. Ðó là chuyện ngoài đường. Chuyện trong nhà, ông bà già tôi là dị tính đúng hiệu con nai vàng, đẻ ra một loạt 7 đứa, qua máu hay thế nào tôi không biết, chỉ biết 6 đứa kia bị lây bệnh dị tính. Tôi là đồng tính, miễn nhiễm. Xác suất cao thế này thì chỉ có một kết luận: Dị tính luyến ái là một cái dịch khủng khiếp!

Tôi nói không ngoa đâu, cái dịch dị tính luyến ái đẻ ra đủ thứ dịch truyền nhiễm qua đường tình dục như giang mai và lậu, chưa kể đến tệ nạn xã hội như đĩ điếm. Mọi người đều làm tình giống nhau thôi, cũng mỗi một chỗ ấy thôi. Trước khi khoa học khám phá trụ sinh để cầm cự mấy thứ bệnh linh tinh này, có ai rêu rao bôi bác lên án người dị tính và cách làm tình của họ đâu. Nay vì khoa học chưa kịp tìm ra thuốc trị bệnh AIDS, khối người vội vã kết án người đồng tính.

Dì của tôi bị bệnh dị tính mà dì ấy không hề ý thức và cứ đẻ con với người không yêu mình cho đến ngày mãn kinh. Dì tôi nghĩ tôi bị bệnh đồng tính mới chết chứ. Có lần dì tôi viết thư khuyên, dì nghĩ con nên đi tìm bác sĩ mà trị bệnh. Tôi trấn an dì, con có đến bác sĩ để trị liệu nhưng giữa đường thì hết tiền, nay còn lại nửa bệnh, con thấy ông bà dị tính hay đồng tính nào cũng dễ thương. Hằng đêm dì đọc kinh cầu nguyện một cách vô vọng để chữa nửa phần bệnh của tôi. Phần tôi, tôi vẫn nghĩ bà dì mình vô phương cứu chữa. Bà ấy trông ngày càng đau khổ. Mỗi lần gặp, tôi và dì tôi nhìn nhau rất thương hại.

Friday, February 9, 2007

Thư viết dở gửi nhà văn Bùi Anh Tấn

Cách đây mấy năm, đọc "Một thế giới không có đàn bà", thấy trong người ngứa ngáy bèn mở máy viết thư cho tác giả. Viết được nửa chừng, nghĩ thế nào lại thôi (chắc là hết ngứa). Nay đọc lại đoạn dở ấy thấy vui vui:

Anh Bùi Anh Tấn kính mến,

Chắc rằng anh đã phải đọc quá nhiều những bức thư giãi bày, tâm sự, thở than của những người ĐTLA rồi, cho nên tôi sẽ không viết một bức thư tương tự. Thật ra, tôi cũng không có nhu cầu kể lể cho vơi nhẹ hay cần sự thông cảm của anh, mặc dù tôi rất cám ơn anh đã dám viết về thế giới ĐTLA, bất chấp điều tiếng. Dũng cảm là một phẩm chất đáng quý của nhà văn.

Tôi chỉ muốn nêu một số nhận xét thẳng thắn về hai cuốn “Một thế giới không có đàn bà”“Đối thoại với một thế giới không có đàn bà”. Mong anh hiểu rằng đây không phải là những lời chê bôi. Tôi rất trân trọng tâm huyết của anh và thừa nhận giá trị văn học của hai cuốn sách. Chúng rất đáng quý không chỉ với người ĐTLA. Tuy nhiên, từ góc độ của một người ĐTLA yêu văn học, tôi cho rằng hai cuốn sách có một số hạn chế:

1. Tôi cảm thấy thất vọng về phần kết của tiểu thuyết “Một thế giới không có đàn bà”. Đó là một cái kết gượng ép, sống sượng, quá đẹp, quá trơn tru và vì thế không có gì để nói nữa sau khi gấp sách. Người đọc sẽ nhận được một lời khuyên lộ liễu, một thứ giáo huấn thông thường, không có tác dụng hoặc phản tác dụng. Có lẽ cái kết đó sẽ làm vừa lòng những người không phải là ĐTLA, những người có con cái “bị” ĐTLA. Các chi tiết để xây dựng nên cái kết này như sự xuất hiện của các cô gái bạn của Trung và Hoàng thật là dễ dãi và không phù hợp với mạch truyện. Anh đã mô tả những nhân vật của anh bị ĐTLA thật để rồi đến cuối truyện lại đột nhiên biến họ thành những người ĐTLA giả (Giả theo quan niệm của một số bác sĩ. Ở đây tôi tạm coi là có ĐTLA giả) hoặc những người lưỡng tính (bisexual). Hoàng và Trung tách nhau ra không hề có một sự thôi thúc nội tại của tiểu thuyết mà chỉ là sự áp đặt vụng về của người viết. Cả tiểu thuyết anh đã cung cấp rất nhiều tư liệu cho thấy việc dứt bỏ xu hướng tính dục là vô cùng khó khăn, trong đó có cả những dẫn chứng khoa học. Không hiểu sao đến cuối tiểu thuyết anh lại để cho Hoàng và Trung nhẹ nhàng thư thái đến thế trong việc dứt bỏ một thứ bản ngã của mình. Thật là một điều thần kỳ. Điều này cũng giống như anh dày công viết cuốn sách về con voi nhưng đến cuối sách thì lại quay ra viết về cái đuôi của một con chuột.

Như vậy có một vấn đề lớn cuối cùng đã không được đặt ra. Đó là số phận những con người bị ĐTLA thật. Hình như anh đã né tránh? Những người ĐTLA thật, chắc rằng khi đọc xong cuốn tiểu thuyết này họ sẽ bị hẫng hụt. Tác giả đã không thật sự viết về họ, về thế giới những người ĐTLA.

Tuy nhiên, trong cuốn “Đối thoại...”, trong phần tóm tắt tiểu thuyết một thế giới không có đàn bà, anh đã đưa ra một cái kết khác, cái kết rất mở, rất nhân bản mặc dù về mặt hình thức thì không phải là mới. Không rõ anh muốn sửa lại như thế hay anh chỉ đơn giản là anh trả về cho nguyên tác cái kết đáng phải có? (Có thể NXB đã biên tập thành ra một cái kết như vậy cho dễ chịu chẳng hạn).

--

Ảnh nhà văn Bùi Anh Tấn trong bài này là của VietNamNet


Đồng tính luyến ái trong xã hội hiện đại

Trước đây, tạp chí điện tử Talawas có làm một "bàn tròn" về đồng tính luyến ái trong xã hội hiện đại. Người Khác xin chọn post lại một số bài trong chuyên đề đó để bạn tham khảo.
***

Một nửa đàn ông là đàn bà
Đặng Hoàng Giang

Gần đây, báo chí Việt Nam có vẻ chú ý hơn đến đề tài đồng tính luyến ái. Những bài viết này, phần thì đăng tin giật gân thỏa trí tò mò (“Vũ hội những nàng Pê đê”), phần là tiếng nói của đạo đức cảnh báo sự suy đồi xã hội (“Ðêm cuồng loạn tại disco New Century”). Lác đác có bài rời bỏ những vũ trường Sài Gòn hay những tụ điểm quý tộc Hà Nội để đến với “người thực việc thực” trong đời sống hàng ngày. Cách đây không lâu, tôi được đọc một phóng sự về cuộc sống của một đôi đồng tính luyến ái nữ đâu đó tại miền Ðông Nam bộ. Mở đầu bằng sự tò mò pha lẫn e ngại, sau khi tận mắt chứng kiến cảnh nghèo khổ của gia đình nọ, và cùng anh “chồng” uống mấy chén rượu, anh phóng viên kết thúc phóng sự vừa thương hại vừa trách móc, phân vân không biết nên kêu gọi giúp đỡ hay thẳng tay lên án. Cuối cùng, anh xếp họ vào dạng tương tự những người nghiện xì ke ma túy, tuy không nên hắt hủi nhưng dẫu sao cũng là một tệ nạn xã hội nguy hiểm.

Quan điểm của anh phóng viên không phải là hiếm. Dư luận Việt Nam, nếu không coi đồng tính luyến ái là căn bệnh giống như SIDA, không nên tiếp xúc gần, tránh lây lan, thì cũng coi đó là một biểu hiện hay kết quả của một lối sống “đồi trụy”. Theo một số liệu thống kê thì 82% người Việt nam lên án đồng tính luyến ái (92% lên án mại dâm và 94% lên án cướp giật).

Ðiều đáng lưu ý là lịch sử luật pháp Việt Nam chưa bao giờ đề cập cụ thể tới vấn đề này. Bộ luật Nhà Lê (1428-1787), cũng như bộ luật Nhà Nguyễn (1802-1945) dẫn giải chi tiết những hình phạt cho tội hiếp dâm, ngoại tình, hay loạn dâm, nhưng không nói đến đồng tính luyến ái. Những điều luật duy nhất có thể liên quan là luật cấm “đàn ông ăn mặc kỳ quặc”, cũng như cấm hoạn va tự hoạn. Trong một số trường hợp, người đồng tính luyến ái bị kết tội, nhưng dưới góc độ ngoại tình (do cả hai người đều đã có gia đình), chứ không dưới góc độ hai người cùng giới tính.

Luật hình sự đương đại Việt Nam, mặc dù cấm “mua và bán tình dục dưới mọi hình thức”, cũng không đề cập trực tiếp tới đồng tính luyến ái. Luật Hôn nhân và Gia đình đề cập tới loạn dâm, hãm hiếp, mại dâm, lợi dụng tình dục, tảo hôn v.v... nhưng không hề có điều luật nào nói lên quan điểm của chính quyền cũng như định hướng cho dư luận xã hội về vấn đề này. Tuy nhiên, việc không có một điều luật cụ thể không có nghĩa các nhà chức trách không tìm được lý do để can thiệp nếu họ muốn. Cách đây mấy năm, lãnh đạo địa phương một xã ở Vĩnh Long ép một đôi đồng tính luyến ái nữ giải tán đám cưới của mình. Trong trường hợp trên, những điều luật tương đối mập mờ cấm những hành vi làm “ảnh hưởng tới đạo đức xã hội và trật tự công cộng” được áp dụng.

Ðồng tính luyến ái có lẽ được dịch ra bởi chữ homosexuality (chữ này bắt đầu được dùng tại phương Tây từ năm 1869), và xuất hiện tại Việt Nam vào những năm 1930. Nó không có trong Hán Việt Từ Ðiển (1931) của Ðào Duy Anh, nhưng xuất hiện trong Pháp Việt Từ Ðiển (1936) của cùng tác giả. Danh từ này có lẽ được phổ biến cùng với sự nhập môn của ngành tâm lý học phương Tây tại Việt nam, và mang mầu sắc y khoa. Ái nam ái nữ xuất hiện muộn hơn, vào những năm 1940, và nay hay được dùng trong đời sống hơn. Tuy nhiên, nếu hiểu sát nghĩa thì “thích cả nam lẫn nữ” gần với bisexual trong tiếng Anh hơn là homosexual. Cũng có thể chữ này bắt nguồn từ á nam á nữ, “không phải gái cũng không phải trai”, sau đó bị đọc chệch đi. Một phiên bản ít phổ biến hơn là bán nam bán nữ, tức “nửa nam nửa nữ”, cũng không diễn tả đúng khuynh hướng thích người cùng giới.

Ðồng cô hay dùng để chỉ người đồng tính luyến ái nam ăn mặc và hành vi điệu bộ như nữ, điều mà thường được coi là biểu hiện của một tài năng đặc biệt nào đó, hoặc về tâm linh (sự gần gũi ngôn ngữ với lên đồng), hoặc trong đời thường, ví dụ “bánh cuốn đồng cô”. Lại cái mô tả một cách sống động sự “nữ giới hóa” của một số, tuy không phải của tất cả đồng tính luyến ái nam. Tương tự như chữ lại gạo trong bánh chưng, lại cái có thể nói lên sự quay trở lại với cội nguồn, với “gốc nữ” của những người này. Pê đê, phiên âm từ chữ Pháp pederaste có lẽ được thông dụng nhất ở thành thị Việt Nam. Gần đây người ta bắt đầu dùng chữ gay lấy thẳng từ tiếng Anh ra (ví dụ như “dân gay”). Ngoài những tiếng lóng rất hình tượng như bánh mỳ (ám chỉ mại dâm nam) và bánh bao (ám chỉ mại dâm nữ) mà chỉ người trong giới mới hiểu, thì đĩ đực (hay được dùng gộp cho nam giới bán mình cho đàn ông cũng như bán mình cho đàn bà) là một từ khác, rõ ràng mang mầu sắc miệt thị.

Với khoảng trống trong luật pháp và kỳ thị của xã hội, cuộc sống của người đồng tính luyến ái tại Việt Nam không phải là dễ dàng. Thêm vào đó, phần lớn những người trong cuộc cũng thiếu hiểu biết cơ bản và có những quan niệm lệch lạc. Một đồng tính luyến ái nam thổ lộ qua Internet “Tôi sinh ra trong một gia đình mẫu mực, luôn sống trong hòa thuận và hạnh phúc, tôi được cha mẹ dạy điều hay lẽ phải...”, dường như muốn tin rằng về mặt logic thì “căn bệnh” này chỉ có thể xẩy ra trong những gia đình “có vấn đề” mà thôi.

Ở châu Á, thái độ kỳ thị của xã hội Việt Nam không phải là ngoại lệ. Thậm chí tới năm 1996, bộ trưởng Bộ Giáo dục Thái Lan còn đề nghị lập một trung tâm giáo dục dành riêng cho người đồng tính luyến ái, những người mà ông ta cho rằng “bị bệnh cả về tâm lý lẫn thể xác”. Ðiểm khác nhau là, tại Việt Nam, với cấu trúc chính trị hiện nay và với sự non nớt của xã hội công dân (civil society), những người đồng tính luyến ái không tự tổ chức được mình, Trong khi đó, cộng đồng đồng tính luyến ái tại những nước khác như Malaysia hay Phillipines đã từ lâu có những tổ chức bảo vệ quyền lợi của họ, không chỉ hài lòng với sự không cấm đoán của xã hội mà đòi hỏi được chấp nhận như những công dân bình đẳng.

Tại châu Âu, Ðức quốc xã coi người đồng tính luyến ái không những là thuộc đẳng cấp thấp, mà còn là bệnh dịch của nhân dân. Họ bị truy đuổi và tàn sát có hệ thống tại các trại tập trung. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, những bước tiến trong chính sách cho người đồng tính luyến ái cũng chỉ xảy ra hết sức chậm chạp. Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây, các nước phương Tây, đi đầu là những nước Bắc Âu, đã nới lỏng những hạn chế trong luật pháp và mở rộng luật hôn nhân cho người đồng tính luyến ái. Tháng trước, bộ trưởng Bộ Tài chính Na Uy đã trao nhẫn cưới cho bạn trai mình (giám đốc một công ty viễn thông) trước sự hiện diện đông đủ của báo chí truyền hình. Một ví dụ khác: vào đầu tháng 6 hàng năm, thành phố Vienna tổ chức Ngày hội cầu vồng – một cuộc diễu hành khổng lồ của những người đồng tính luyến ái, đi qua những đại lộ và quảng trường quan trọng nhất của thành phố. Ðứng đầu là những đại biểu quốc hội, nhà văn, chính trị gia, và sau đó là hàng nghìn cặp đồng tính luyến ái, già trẻ trai gái, người đưa thư, sinh viên, nhân viên phòng thuế, cô nuôi dạy trẻ... Ngày hội cầu vồng, cùng với liên hoan nhạc cổ điển, liên hoan phim v.v... đã trở thành một hoạt động văn hóa không thể thiếu được của thành phố.

Mặc dù đã đạt được một chỗ đứng đáng kể, ngay tại phương Tây, con đường của người đồng tính luyến ái để đạt được bình đẳng, cũng như sự tự tin vào chính mình, còn rất dài (có bao nhiêu người sau khi tham gia Ngày hội cầu vồng, hôm sau tại công sở dám tuyên bố mình là gay?) Kể cả với sự che chở phần nào của pháp luật, những định kiến của xã hội và bản thân người trong gia đình còn lớn tới mức không phải người đồng tính luyến ái nào cũng có đủ dũng cảm để coming out, để công bố với mọi người xung quanh bản sắc thật của mình. Cách đây không lâu, trên diễn đàn Talawas này, chúng ta đối thoại về thế nào là văn minh. Tôi cho rằng, một trong những thước đo văn minh của một xã hội là sự đối xử của xã hội đó với những thành viên của mình, đặc biệt với những thành viên mà trên một khía cạnh nào đó (tôn giáo, chính trị, hay khuynh hướng tình dục), họ không phải là đa số.

Cừu gay do nguyên nhân sinh học


Cái này dịch từ năm 2004, giờ chẳng rõ từ nguồn nào, nhưng có thể tham khảo tiếng Anh ở đây
--

Nhóm các nhà nghiên cứu người Mỹ từng phát hiện những con cừu đực đồng tính luyến ái mới đây đã tìm ra sự khác biệt trong cấu trúc não của những con cừu đó. Kết quả được công bố trên tạp chí Khoa học Nội tiết (Endocrinology), có chiều hướng củng cố những kết quả nghiên cứu trước đây về sự khác biệt trong giải phẫu giữa não người ĐTLA và não người dị tính luyến ái.

Các nhà nghiên cứu thuộc Khoa Y trường Đại học Sức khỏe và Khoa học bang Oregan (Oregan Health and Science University-OHSU) ở Mỹ đã tìm ra chính xác nhóm tế bào não khác nhau giữa cừu đực và cừu cái nằm ở phần não điều khiển hành vi tình dục của chúng. Ở những con cừu đực thích giao phối với những con cừu đực khác, khu vực này nhỏ hơn so với ở những con cừu đực thích giao hợp với cừu cái.

“Có một sự khác nhau mà người ta nhìn thấy trong não có liên quan chặt chẽ đến việc chọn bạn tình ở động vật” - Kay Larkin, một thành viên nhóm nghiên cứu đề tài này cho biết.

“Công trình nghiên cứu này, cùng với những công trình khác cho thấy sự khác nhau về sở thích tình dục được quy định về mặt sinh học ở động vật và có thể là cả ở người” - Ông Charles Roselli, một giáo sư về sinh lý học và dược lý, trưởng nhóm nghiên cứu nói.

Hy vọng rằng công trình nghiên cứu sự khác nhau trong não sẽ cung cấp cho chúng ta những manh mối về quá trình phát triển phức tạp hành vi tình dục đồng tính cũng như dị tính.

Các chuyên gia về động vật nói trên đã phát hiện 8% số cừu đực nuôi đã chọn bạn tình cùng giới. Họ đã quan sát 27 con cừu bốn năm tuổi, gồm nhiều giống khác nhau ở Miền Tây, trong đó có tám con cừu đực thích giao hợp với cừu cái, 9 con cừu đực thích giao hợp với cừu cùng giới, và 10 con cừu cái.

Họ phát hiện ra một cụm dày đặc các tế bào thần kinh nằm ở vùng dưới đồi não (hypothalamus), và họ gọi cụm tế bào này là trung tâm giới tính lưỡng hình ở cừu (OSDN). Hypothalamus điều khiển việc sản xuất hooc-môn tình dục, huyết áp, khả năng thăng bằng trong nước, sự đói khát... đồng thời cũng điều khiển những hành vi phức tạp như hành vi tình dục.

OSDN ở những con cừu đực thích cừu cái lớn hơn rõ rệt và chứa nhiều nơ-ron hơn OSDN ở những con cừu đồng tính và cừu cái.

Lá thư của một bạn trẻ đau khổ (*)

(*): Đây là bức thư của tôi gửi nhà văn Tô Hoài năm 1998 (lúc đó tôi 23 tuổi). Thư được nhà văn chuyển đến báo Tiền phong Chủ nhật và được đăng vào ngày 24/5/1998.
---

Đây là thư riêng gửi Tô Hoài và nhà văn đã tin cậy trao cho TPCN. Chúng tôi đã đọc nó với một sự thương cảm và nhất trí đăng nguyên vẹn bức thư để ít ra là thêm một thông tin cho những cá nhân và tổ chức nào có thể giúp đỡ người thanh niên đang gần như là tuyệt vọng này.
TPCN

Bác Tô Hoài yêu quí!

Bức thư này xin được coi như một lời kêu cứu của cháu tới bác. Cháu khổ lắm bác Tô Hoài ạ! Vì cháu là một người đồng tính luyến ái.

Gần đây, dư luận xã hội tập trung phê phán những người như cháu rất gay gắt. Cháu chẳng hiểu ra sao cả. Cháu thấy dường như từ lúc sinh ra cháu đã bị như vậy rồi. Cháu là con trai, nhưng hồi nhỏ, cháu rất thích chơi những trò của con gái. Khi lớn lên, cháu đau đớn nhận thấy mình chỉ có thể rung động trước những đứa con trai mà thôi. Vậy mà người ta kết tội cháu nào là vô luân, sa đoạ, trụy lạc, nào là quái đản, bệnh hoạn, là coi thường đạo lí, coi thường truyền thống văn hoá...

Cháu có muốn như vậy đâu? Bản thân cháu cũng không thể hiểu tại sao cháu lại bị như thế. Cháu thấy tình yêu đối với những đứa con trai khác là không thể ngăn nổi, vì nó đích thực là tình yêu và nó chẳng dính dáng gì đến lí trí cả. Cháu đã tập yêu con gái, nhưng không thể. Đứng trước một người con gái, dù đẹp đến mấy, cháu vẫn thấy hoàn toàn thờ ơ.

Chỉ có bác là có thể hiểu cháu và những người như cháu thôi. Cháu đã đọc hồi kí Cát bụi chân ai rất kỹ, nhất là đoạn bác viết về Xuân Diệu. Theo cháu hiểu, bác rất thông cảm và thương Xuân Diệu, nhưng bác lại không hề bênh vực Xuân Diệu. Thậm chí, bác còn gọi những hành vi của Xuân Diệu là "điên" nữa ("Lúc rồ lên, trong đêm tối quyến rũ, mình cũng điên kia mà" - trang 189). Cháu nghĩ người tình dục đồng giới cần được bênh vực, bởi nguyên nhân làm cho họ yêu người đồng giới là do những sai phạm về mặt sinh học thế nào đó, chứ không phải do đầu óc họ bệnh hoạn...

Bác Tô Hoài ơi, bác đã sống nhiều, chắc bác hiểu cuộc đời sẽ vô nghĩa thế nào nếu thiếu tình yêu. Tình yêu là phần đẹp nhất trong cuộc sống của con người. Cả thế giới ca ngợi tình yêu. Nhưng gần như cả thế giới lại tìm cách ngăn cấm tình yêu của chúng cháu. Bác ơi, như vậy người ta đã làm theo lẽ công bằng chưa? Người tình dục đồng giới cũng là người mà! Và đã là người thì phải được quyền yêu chứ? Nếu sống cả đời mà không được yêu thì cháu còn sống làm gì nữa!

Cháu muốn cất lên tiếng nói của mình để đấu tranh giành quyền lợi cho những người tình dục đồng giới và xoá bỏ thành kiến của mọi người. Nhưng cháu còn trẻ quá, lại bất tài, chẳng có vị thế gì cả, nói ra chẳng ai thèm nghe, có khi lại còn bị hắt hủi, vùi dập nữa. Nhiều lúc quẫn trí, cháu muốn chọn một cái chết thật ấn tượng (tự thiêu chẳng hạn) để phản đối sự vô lí trong quan niệm của mọi người. Nhưng cháu lại sợ sự việc sẽ bị chìm đi trong bề bộn các sự kiện khác. Mà thú thực là hiện thời thì cháu chưa dám làm thế. Bởi cháu còn hy vọng. Cháu hy vọng bác giúp đỡ cháu và những người giống như cháu. Tiếng nói của bác có trọng lượng. Người ta không đồng ý ngay thì cũng phải suy nghĩ. Nếu vì những lí do này khác mà bác không thể để công giúp cháu được thì chỉ xin bác gửi lá thư này đến một tờ báo nào đó. Cháu đội ơn bác vô cùng. Cháu tha thiết trông đợi sự giúp đỡ của bác.

Cháu xin chúc bác mạnh khoẻ và viết được nhiều trang văn hay.

Cháu: Phan Ân
---------------

4-5 năm sau, tôi tình cờ thấy bức thư này được in lại trong cuốn "Những vấn đề tâm lý và văn hóa hiện đại" do GS Đặng Phương Kiệt chủ biên.

Tiếp đó, tôi lại bắt gặp thư của mình đăng trên mục "Đồng tính luyến ái trong xã hội hiện đại" của Talawas vào ngày 15/5/2002. Bản trên Talawas lấy nguồn từ báo Sức khỏe & Đời sống, trong đó có đăng kèm ý kiến của GS Đặng Phương Kiệt (Chủ tịch Câu lạc bộ nghiên cứu về tình dục học, Trung tâm khám chữa bệnh số 9 Ngọc Khánh), như sau:

"Thiết tưởng chẳng cần bình luận gì thêm, ta cũng không thể không chia sẽ nỗi "thống khổ" của một thanh niên "bất hạnh" rơi vào cảnh tình dục đồng giới. Dường như điều này nằm ngoài ý muốn của tác giả hoặc đúng hơn là nó hình thành bởi một thúc ép hầu như không cưỡng nổi từ một thế giới vô hình nào đó, một thế giới vô thức. Tác giả bức thư tỏ ra rất sáng suốt, không hề bệnh hoạn, khi "muốn cất lên tiếng nói của mình để đấu tranh đòi quyền lợi cho những người tình dục đồng giới và xóa bỏ thành kiến của mọi người...". Có điều tác giả đã lầm. Có phải gần như cả thế giới mọi người đều thành kiến đâu? Bằng chứng là gần đây, Quốc hội tại một nước Bắc Âu đã chấp thuận một điều luật công nhận tất cả danh dự và quyền công dân của những người tình dục đồng giới. Hơn một tuần trước đây, tại thủ đô 2 nước Pháp và Đức, đã có một cuộc tuần hành vĩ đại chưa từng có gồm một triệu người tình dục đồng giới. Chính vị thị trưởng Paris mới được dân bầu cũng công khai tuyên bố mình là một công dân tình dục đồng giới. Và hẳn ông không phải là kẻ có tội".

Qua ý kiến này của GS Đặng Phương Kiệt, tôi thấy nhận thức của ông về ĐTLA đã có một sự biến chuyển. Trong cuốn "Những vấn đề tâm lý và văn hóa hiện đại" (xuất bản năm 2000), ông cho rằng ĐTLA là một mối xung đột nội tâm (một dạng rối nhiễu tâm lý), hoàn toàn không có tính định mệnh nên "vẫn có thể và chắc chắn có thể khắc phục được"!

Dù sao tôi cũng rất cám ơn nhà văn Tô Hoài, GS Đặng Phương Kiệt, báo TPCN và các báo khác đã đăng lại bức thư mà sau này tôi nghĩ rằng mình viết trong một lúc thấy khốn quẫn.

Ngoài ra, sau khi đăng thư của tôi, trong số báo tiếp sau đó, TPCN đăng ý kiến của một người ĐTLA khác. Rất tiếc tôi không giữ được số báo đó, nhưng tôi nhớ rõ rằng khi đọc bài viết của anh, tôi cảm thấy được chia sẻ rất nhiều.

Phan Huệ Ân - Người Khác

Israel công nhận kết hôn đồng tính


Nguồn: BP News
Người Khác lược dịch

--

Israel đã cho cặp đồng tình đầu tiên đăng ký kết hôn vào ngày 29/1/2007, hai tháng sau khi Tòa án Tối cao nước này đưa ra một quyết định có tính chất bước ngoặt đối với những cặp đồng tính.

Theo tờ Jerusalem Post, Binyamin và Avi Rose, 2 người đồng tính nam Israel trở thành cặp đồng tính đầu tiên được nhận giấy đăng ký kết hôn. Họ đã cưới nhau ở Canada vào tháng 6 năm ngoái.
Quyết định tháng 11/2006 của Tòa án Tối cao Israel cho phép nước này thừa nhận những cặp đồng tính đã kết hôn từ những nước khác, như Canada hay Tây Ban Nha. Tuy nhiên, quyết định không cho phép các cặp đồng tính làm đám cưới trong lãnh thổ Israel, vì như thế sẽ khác với những quốc gia như Mỹ hoặc Anh (chưa công nhận hôn nhân đồng tính). Chính phủ Mỹ thậm chí chưa công nhận hôn nhân đồng tính tại bang Massachusetts, nơi đã cho phép người đồng tính kết hôn.

"Thật tuyệt khi làm lễ cưới ở tòa thị chính Toronto, nhưng việc nhà nước Israel công nhận chúng tôi là vợ chồng còn quan trọng hơn rất nhiều" – Avi phát biểu trên Jerusalem Post. Bố của Avi là một giáo sĩ Do Thái ở Mỹ, cũng ủng hộ hôn nhân đồng tính.

Bất chấp những quan niệm bảo thủ ở Israel, những nhà hoạt động xã hội về đồng tính đã đạt được những kết quả có ý nghĩa về phương diện luật pháp và trên chính trường trong những năm gần đây. Hiện nay, những người đồng tính có thể công khai tham gia quân đội. Trong khi đó, chính sách "don't ask, don't tell" của Mỹ không cho phép người đồng tính tham gia quân đội. Các lãnh đạo quân sự Mỹ nói rằng việc chấp nhận đồng tính trong quân đội có thể ảnh hưởng đến nhuệ khí và sự đoàn kết.

Canada là một nơi yêu thích của những cặp đồng tính nước ngoài vì luật hôn nhân của nước này không phụ thuộc vào sứ quán các nước.

Quyết định của TATC Israel khiến một số chính khách nước này giận dữ. Một luật sư nói trên Đài phát thanh Quân đội Israel rằng tất cả những người có đầu óc lành mạnh ở Israel đều bị sốc, vì quyết định của tòa có thể… phá hủy kết cấu gia đình ở Israel.



Cơ hội của người đồng tính

Một cuộc cách mạng

Báo Time bình chọn nhân vật của năm 2006 là bạn - cộng đồng người dùng mạng.

Trong bài mở đầu loạt bài về bạn, nhà báo Lev Grossman cho rằng Web 2.0 không chỉ là một phiên bản mới của phần mềm mà là một cuộc cách mạng. Cuộc cách mạng đó mang lại cho chúng ta nhiều món quà bất ngờ. Tôi chú ý đến những nội dung đại loại như sau:

Bên cạnh việc phải nuốt những thông tin đã được báo chí "chế biến" kỹ, chúng ta còn có thể xơi những thông tin tươi sống trên các mạng xã hội, trên hàng triệu blog và diễn đàn trực tuyến. Không chỉ tiếp nhận, chúng ta còn sản xuất thông tin. Chúng ta tạo ra những hồ sơ trên Facebook, avatar trên Second Life, phê bình sách trên Amazon và làm ra những chương trình phát thanh đưa lên mạng. Chúng ta viết trên blog về các ứng cử viên chúng ta ủng hộ bị thất cử, sáng tác bài hát về việc bị "bồ đá", thu hình cảnh chạy bom và làm những phần mềm nguồn mở...

Cũng trên Time, một tác giả khác - Josh Tyrangiel - nhắc đến lời tiên đoán năm 1968 của Andy Warhol: "Trong tương lai, mọi người đều có thể trở nên nổi tiếng thế giới với 15 phút". Josh cho rằng, đến bây giờ, Andy đã đúng. Những điều đó có nghĩa là...

Cơ hội của người đồng tính
Ở Việt Nam và hầu hết các nơi trên thế giới, người đồng tính vẫn bị phân biệt đối xử, không có quyền lập mái ấm riêng. Chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong xã hội, họ lại không kết nối được với nhau do không muốn xuất đầu lộ diện (tránh thái độ miệt thị), cho nên tiếng nói của họ yếu ớt và không được nhìn nhận một cách công bằng. Nhỏ và yếu, mãi mãi sẽ nhỏ và yếu là cách tôi từng nghĩ về cộng đồng những người ĐT luyến ái ở VN.

Giờ đây, những con người vốn quen sống trong thầm lặng, quen chịu đựng những bất hạnh mà họ cho là hiển nhiên ấy bỗng có thật nhiều cơ hội. Qua mạng, họ được tiếp xúc với nhiều người đồng tính hơn, hiểu mình hơn, khả năng chọn bạn cao hơn và được an ủi nhiều hơn. Họ đã có một không gian riêng để đăng tải và "trưng bày" các tác phẩm nghệ thuật.

Nhưng điều lý thú nhất, theo tôi, là người đồng tính có thể cất lên tiếng nói mạnh mẽ đòi quyền bình đẳng mà vẫn giữ được sự an toàn cần thiết. Họ có thể chung sức xây dựng một kho dữ liệu về ĐTLT và dễ dàng chia sẻ nó với những người khác, trong hay ngoài giới. Họ có cơ hội đối thoại (với tư cách là người đồng tính) bình thường, sòng phẳng với những người ngoài giới trên cùng một website, một diễn đàn trực tuyến, không cần thiết phải co cụm vào sinh hoạt trong những nhóm riêng. Họ có cơ hội bình luận, giải thích, tranh luận, cung cấp thêm thông tin, bằng chứng khi các phương tiện truyền thông đưa ra những hình ảnh méo mó, thiếu chân thực về giới đồng tính. Chưa bao giờ giới đồng tính có được những cơ hội tốt như vậy để tăng cường sự hiện diện của mình, tiếp thị hình ảnh chân thực của mình và đối thoại với phần còn lại của thế giới. Internet đã và đang chọc vỡ vòng vây của những định kiến, những ràng buộc trong quan niệm xã hội, giúp tiếng nói của người đồng tính thoát ra, to hơn, vang hơn và hòa vào nhau để trở nên mạnh mẽ hơn. Internet cũng đang góp phần tác động khiến xã hội trở nên cởi mở hơn.

Sự ra đời của các mạng xã hội (Social Networking) và "truyền thông cá nhân" đang làm thay đổi thế giới và thay đổi cách thế giới thay đổi (theo Time), hay nói cách khác, đang "định hình lại xã hội toàn cầu"(*). Trong sự thay đổi đó, người đồng tính có thể tìm thấy những cơ hội giúp cộng đồng mình mạnh hơn.

Tôi cũng muốn góp thêm một tiếng nói vì người đồng tính - vì tôi.
---
(*): NHỮNG PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG ĐANG HIỆN RÕ KHẢ NĂNG ĐỊNH HÌNH LẠI XÃ HỘI TOÀN CẦU

Đọc thêm:
- ĐỘC GIẢ TỰ VIẾT BÁO
- TƯƠNG LAI MỚI DO INTERNET MANG LẠI