Saturday, April 14, 2007

Không phải là những kẻ dị thường


ryudancingman (dị tính, thành viên diễn đàn Niềm tin) viết:

Chín mươi mấy phần trăm dân số thế giới chúng ta sinh ra và lớn lên trong 1 môi trường toàn Male và Female cho nên một cách hết sức tự nhiên, trong đầu chúng ta hình thành quan niệm "thế giới có 2 giới tính", giới tính này có khuynh hướng bị hấp dẫn bởi giới tính kia, người của 2 giới tính yêu nhau, làm tình với nhau và sinh con đẻ cái.

Thế nhưng, từ rất lâu rồi, bên cạnh chúng ta đã tồn tại Gay và Lesbian. Các bạn có thấy là, ngoại trừ việc họ yêu người cùng giới còn chúng ta yêu người khác giới, họ không hề khác chúng ta và hoàn toàn bình đẳng với chúng ta. Vậy tại sao họ chấp nhận chúng ta còn chúng ta không chấp nhận họ, thậm chí coi họ là những người vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội, hoặc coi họ là con bệnh?

Đó là do quan niệm "thế giới phân chia thành 2 giới tính rõ ràng" đã ăn sâu vào chúng ta đến nỗi chúng ta nghĩ nó là quy luật tất yếu của tạo hoá, nó đúng với 100% dân số thế giới. Chúng ta thấy những người đồng tính quái dị, thậm chí đáng sợ vì họ không giống với chúng ta, thuộc về một trong 2 giới tính Nam hoặc Nữ một cách rõ ràng. Chúng ta lấy suy nghĩ của số đông để áp đặt, cho là những gì khác với đa số đều là sai trái, không được chấp nhận. Đó là một điều hết sức vô lý, thậm chí ích kỉ và vô tình. Ngay lúc này đây, không biết bao nhiêu người đồng tính đang đau khổ, đang cô độc, đang phải hứng chịu sự hắt hủi, xa lánh của cộng đồng những người xung quanh.

Tôi cũng đã từng không chấp nhận người đồng tính, đã từng không biết bao nhiêu lần nói với người này người kia "Mày là đồ pê đê" như 1 lời nhạo báng khi họ để móng tay dài hoặc mặc quần áo sặc sỡ. Cuối cùng tôi nhận ra rằng, mình đã sai. Vâng, tôi đã sai khi không chịu nhìn nhận những người đồng tính.

Thưa các bạn đồng tính, tôi chỉ muốn nói với các bạn câu này: Thế giới có 4 giới tính (Male, Female, Gay, Lesbian). 4 giới tính đó bình đẳng với nhau. Các bạn không phải là kẻ tội phạm vi phạm pháp luật, các bạn không làm gì trái với đạo đức, các bạn không phải những kẻ dị thường nằm ngoài quy luật tạo hoá hay những con bệnh đáng thương hại. Các bạn là những người bình thường và bình đẳng với tất cả các con người khác. Hãy hiên ngang đi tìm hạnh phúc cho mình và cười vào mặt những kẻ không chấp nhận các bạn. Cho dù việc này có khó khăn đến mấy đi nữa, thì nó vẫn tốt hơn là cả đời không được công khai sống với con người thật của mình.
--
Lời bình của Huệ Ân: ý kiến của ryudancingman khá hay, song tôi thì tôi không thích cười vào mặt những người không chấp nhận mình. Tôi hiểu họ cũng có lý do của họ, họ cũng có sự khó khăn nhất định khi chấp nhận một hiện tượng vượt ra ngoài sự hiểu biết và những quan niệm thông thường. Họ không có nhiều thông tin và bị dẫn dắt bởi cảm tính, bởi giới truyền thông (nhiều khi cũng rất cảm tính). Nếu tôi là người dị tính, chưa chắc tôi đã có được sự thông cảm với những người đồng tính. Vì thế, tôi không cười vào ai hết, mà muốn cung cấp cho họ thêm thông tin, giúp họ không còn cảm thấy sợ người đồng tính, thuyết phục họ thay đổi quan điểm, hành vi. Tôi yêu quý cha mẹ, anh em trong gia đình tôi - những người dị tính. Tôi tự hào vì có những người bạn dị tính tuyệt vời.
------
Xem nguyên bản ý kiến của ryudancingman

Sunday, April 8, 2007

Có hay không người đồng tính giả? (Bài 2)


Tôi lại bắt đầu bài này bằng một nhận xét của đạo diễn Lê Hoàng: “Hiện nay trong một số lĩnh vực, ví dụ như ca nhạc chẳng hạn, một số người lại ngộ nhận là đồng tính thì dễ "lên" thế là họ nhắm mắt làm theo. Đấy là một sự đồng tính cơ hội”.
(Trích nội dung giao lưu trực tuyến giữa độc giả VietnamNet và đạo diễn Lê Hoàng tháng 6/2003)

Thực ra, có nhiều người nói như Lê Hoàng, nhưng tôi thích trích dẫn Lê Hoàng vì ông nổi tiếng. Cho đến nay, vẫn có nhiều người nghĩ như Lê Hoàng. Không hiểu sao họ có thể dễ dàng tin vào những nhận định kiểu như thế không biết. Hãy chỉ cho tôi một người giả vờ đồng tính (bằng xương bằng thịt) để “phất” nhanh, để kiếm lợi xem nào? Có ai, có ai không?

Thử nghĩ xem, liệu người ta có thể tranh thủ kiếm chác bằng cách lu loa lên rằng mình đồng tính không? Tôi nghĩ là không, vì đồng tính ở VN nghĩa là bị tẩy chay, bị khinh bỉ. Người ta không bỏ tiền ra để mua đĩa của người mình khinh! Thấy cái mặt trên ti-vi, người ta còn chuyển kênh khác nữa là.

Ca sĩ Long Nhật khi chưa có “dư luận” gì về giới tính thì còn hát nhiều, đến khi có “dư luận” thì sự nghiệp “tạnh” hẳn. Khi Quang Linh mới xuất hiện trên thị trường ca nhạc với phong cách “chân quê”, rất nhiều người mê anh, mua đĩa của anh. Nhưng sau khi thiên hạ xì xầm đồn đoán về giới tính của anh thì lượng fan giảm thấy rõ. Có thể có nhiều yếu tố khác nữa, nhưng rõ ràng đồng tính không phải là cái thang để trèo lên hái danh vọng và tiền bạc.

Hồi Quang Linh mới nổi, một người bạn học cùng lớp tôi đã hí hửng khoe với tôi rằng cậu ta mới mua được băng của Quang Linh, vẻ thích chí lắm (tôi thì không thích ca sĩ này). Nhưng từ ngày nghe nói Quang Linh là gay, cậu ta bèn bỏ nghe Quang Linh. Không những thế, mỗi khi nhắc đến Quang Linh, cậu ta lại dùng giọng giễu cợt. Cậu ta còn trêu những người nghe Quang Linh là đồng tính.

Tự lu loa lên rằng mình đồng tính ở Việt Nam là một việc nguy hiểm, tiêu tan sự nghiệp như chơi, chứ “phất” cái nỗi gì.

Trong khi hiểu biết về ĐTLA còn mù mờ và phần nhiều mang tính phỏng đoán, nhiều người đã cho rằng mọi sự về ĐTLA đã khép lại, rằng điều mình nói là chân lý. Đó là một thói quen không tốt khi đứng trước những vấn đề khó hiểu, có thể ảnh hưởng đến số phận của người khác, cần có sự soi sáng của khoa học. Tiếc thay, những khẳng định đầy màu sắc cảm tính đó lại được phát ra từ miệng nhiều bác sĩ, chuyên gia có uy tín, những người nổi tiếng và có ảnh hưởng khá lớn trong xã hội.

Friday, April 6, 2007

Có hay không người đồng tính giả? (Bài 1)

Trong thập niên 1990, bác sĩ Trần Bồng Sơn đã rất nhiều lần trả lời về đồng tính luyến ái (ĐTLA) trên các báo từ Bắc chí Nam. Ông trở nên nổi tiếng và được nhiều người coi là chuyên gia về ĐTLA. Quan điểm của ông có thể tóm gọn lại như sau:

1. ĐTLA là một bệnh. Những người ĐTLA là những “người bệnh”. Đã là bệnh thì chữa được.

2. Có hai loại ĐTLA. “ĐTLA thật” (do bẩm sinh, chỉ chiếm số ít) và “ĐTLA giả” (do đua đòi hoặc bị rủ rê lôi kéo, có tỉ lệ cao hơn nhiều). Theo BS Trần Bồng Sơn, cần cảnh giác với ĐTLA giả vì “không ít người thích cặp bồ, kết bạn với người đồng giới, theo môđen “đồng tính luyến ái” để được xem là “dân sành điệu”, khác người”. Điều này được BS Trần Bồng Sơn nhắc lại rất nhiều lần trên tờ “Sài Gòn tiếp thị”.

Khi đó Việt Nam rất ít thông tin về ĐTLA nên BS nói sao thì nghe vậy. Nay chúng ta đã biết ĐTLA không phải là bệnh, không chữa được và không cần phải chữa (kết luận của Hội Tâm thần học Mỹ năm 1973, Hội Tâm lý Mỹ năm 1975, và của Tổ chức Y tế Thế giới năm 1992). Như vậy, quan điểm 1 của BS Trần Bồng Sơn không đúng.

Còn quan điểm 2? Cho đến nay, rất nhiều người (trong đó có cả người đồng tính) nói về về ĐTLA cứ như học thuộc lòng: “tôi thông cảm và chia sẻ với những người đồng tính thật đồng thời phản đối, lên án những người đồng tính giả”!

Nhưng sự thật có người đồng tính giả hay không?

Nhìn lại thì thấy các kết luận của BS Trần Bồng Sơn chẳng dựa trên một cơ sở đáng kể nào cả. Ông đã không dẫn ra được bất cứ một bằng chứng khoa học nào [1].

Ở Việt Nam cho đến nay chưa công trình khoa học nào cho thấy có ĐTLA giả. Trên thế giới, theo hiểu biết hạn hẹp của tôi, cũng không có công trình khoa học nào có kết quả như vậy (nếu ai biết xin chỉ giúp).

Vì sao BS Trần Bồng Sơn lại khẳng định có ĐTLA giả? Đọc các bài tư vấn của ông, tôi thấy ông đã quan sát được một số hiện tượng và giải thích theo cách riêng của mình. Chẳng hạn:

- Ông thấy số người ĐT có vẻ nhiều lên bất thường, suy ra trong đó có nhiều người đồng tính giả, thích “sành điệu”, khác người…
- Ông thấy có một số người ĐTLA sau một thời gian “chữa trị” đã thay đổi, cưới vợ, sinh con, suy ra đồng tính không phải là bản chất của người ấy, chứng tỏ trước đó họ là người đồng tính giả.

Tuy nhiên, với những điều mà BS Trần Bồng Sơn quan sát được, người ta hoàn toàn có thể giải thích theo cách khác. Người đồng tính có vẻ đông lên là do báo chí, truyền thông bùng nổ, ĐTLA được biết đến nhiều hơn. Sau khi VN mở cửa về kinh tế thì văn hóa cũng cởi mở hơn và đó là điều kiện để người đồng tính (trước đây vẫn ẩn mình) công khai nhiều hơn. Kinh tế thị trường khiến dân cư tập trung nhiều hơn tại các thành phố lớn và do đó số lượng người đồng tính ở đây cũng nhiều hơn các khu vực khác. Người đồng tính bị kỳ thị nên họ có xu hướng tìm đến sống ở các thành phố lớn để được vô danh. Ở thành phố đông đúc, ít ai biết ai nên việc tạo ra một vài tụ điểm sinh hoạt riêng của người đồng tính cũng dễ. Tất cả những điều đó khiến người ta có cảm giác số người đồng tính (ở thành phố) tăng lên nhanh chóng và rằng đồng tính là một “căn bệnh dễ lây”. Thực ra, ở VN xưa nay chưa có bất cứ thống kê nào về lượng người đồng tính chứ đừng nói đến thống kê về sự tăng lên của lượng người đó.

Với những trường hợp người ĐTLA được “điều trị” có biến chuyển, lấy vợ, sinh con…, cũng không thể kết luận ngay rằng như thế là “khỏi”, là xong. Tất cả những trường hợp đó (ở Việt Nam) đều không được theo dõi lâu dài. Họ rất có thể là những người lưỡng tính, mà người lưỡng tính thì khi yêu nam khi yêu nữ là chuyện thường, và hầu hết họ lấy vợ, đẻ con. Lấy vợ, sinh con không có nghĩa là đã hết lưỡng tính. Có chăng là khi đã có gia đình thì họ ít đến với người khác hơn, vì trách nhiệm với vợ con, vì thể diện trước xã hội (như bất cứ người dị tính nào). Ngay cả gay (đơn tính), nếu cố gắng vẫn có thể lấy vợ, nhưng cuộc sống gia đình của họ thường là rất khổ sở và như thế cũng không có nghĩa họ thôi là gay.

BS Trần Bồng Sơn cho rằng ĐTLA là một thứ môđen (mốt), nhưng tôi cho rằng chưa từng bao giờ có một thứ môđen như thế. Mốt là thứ được số đông ưa chuộng, chạy theo trong một thời gian nào đó, trong khi người ĐTLA luôn luôn chỉ là một nhóm thiểu số. BS Trần Bồng Sơn cũng chưa từng bao giờ chỉ ra được một cách thuyết phục động cơ và cơ chế cụ thể khiến một người (đồng tính giả) vừa phải làm trái với bản năng tình dục của mình, vừa phải nhận lấy sự kỳ thị, xa lánh của cả gia đình lẫn xã hội.

Vì thế, mặc dù rất trân trọng sự thông cảm của ông đối với những “người đồng tính thật”, nhưng tôi buộc lòng phải nghi ngờ toàn bộ những gì ông nói về “những người đồng tính giả”. Nếu không có những bằng chứng khoa học, tôi sẽ xem ĐTLA giả là sản phẩm của trí tưởng tượng.
-----------
[1]: Xem bài "Đồng tính luyến ái" trên Wikipedia tiếng Việt, phần "Quan điểm tại Việt Nam"