Friday, April 6, 2007

Có hay không người đồng tính giả? (Bài 1)

Trong thập niên 1990, bác sĩ Trần Bồng Sơn đã rất nhiều lần trả lời về đồng tính luyến ái (ĐTLA) trên các báo từ Bắc chí Nam. Ông trở nên nổi tiếng và được nhiều người coi là chuyên gia về ĐTLA. Quan điểm của ông có thể tóm gọn lại như sau:

1. ĐTLA là một bệnh. Những người ĐTLA là những “người bệnh”. Đã là bệnh thì chữa được.

2. Có hai loại ĐTLA. “ĐTLA thật” (do bẩm sinh, chỉ chiếm số ít) và “ĐTLA giả” (do đua đòi hoặc bị rủ rê lôi kéo, có tỉ lệ cao hơn nhiều). Theo BS Trần Bồng Sơn, cần cảnh giác với ĐTLA giả vì “không ít người thích cặp bồ, kết bạn với người đồng giới, theo môđen “đồng tính luyến ái” để được xem là “dân sành điệu”, khác người”. Điều này được BS Trần Bồng Sơn nhắc lại rất nhiều lần trên tờ “Sài Gòn tiếp thị”.

Khi đó Việt Nam rất ít thông tin về ĐTLA nên BS nói sao thì nghe vậy. Nay chúng ta đã biết ĐTLA không phải là bệnh, không chữa được và không cần phải chữa (kết luận của Hội Tâm thần học Mỹ năm 1973, Hội Tâm lý Mỹ năm 1975, và của Tổ chức Y tế Thế giới năm 1992). Như vậy, quan điểm 1 của BS Trần Bồng Sơn không đúng.

Còn quan điểm 2? Cho đến nay, rất nhiều người (trong đó có cả người đồng tính) nói về về ĐTLA cứ như học thuộc lòng: “tôi thông cảm và chia sẻ với những người đồng tính thật đồng thời phản đối, lên án những người đồng tính giả”!

Nhưng sự thật có người đồng tính giả hay không?

Nhìn lại thì thấy các kết luận của BS Trần Bồng Sơn chẳng dựa trên một cơ sở đáng kể nào cả. Ông đã không dẫn ra được bất cứ một bằng chứng khoa học nào [1].

Ở Việt Nam cho đến nay chưa công trình khoa học nào cho thấy có ĐTLA giả. Trên thế giới, theo hiểu biết hạn hẹp của tôi, cũng không có công trình khoa học nào có kết quả như vậy (nếu ai biết xin chỉ giúp).

Vì sao BS Trần Bồng Sơn lại khẳng định có ĐTLA giả? Đọc các bài tư vấn của ông, tôi thấy ông đã quan sát được một số hiện tượng và giải thích theo cách riêng của mình. Chẳng hạn:

- Ông thấy số người ĐT có vẻ nhiều lên bất thường, suy ra trong đó có nhiều người đồng tính giả, thích “sành điệu”, khác người…
- Ông thấy có một số người ĐTLA sau một thời gian “chữa trị” đã thay đổi, cưới vợ, sinh con, suy ra đồng tính không phải là bản chất của người ấy, chứng tỏ trước đó họ là người đồng tính giả.

Tuy nhiên, với những điều mà BS Trần Bồng Sơn quan sát được, người ta hoàn toàn có thể giải thích theo cách khác. Người đồng tính có vẻ đông lên là do báo chí, truyền thông bùng nổ, ĐTLA được biết đến nhiều hơn. Sau khi VN mở cửa về kinh tế thì văn hóa cũng cởi mở hơn và đó là điều kiện để người đồng tính (trước đây vẫn ẩn mình) công khai nhiều hơn. Kinh tế thị trường khiến dân cư tập trung nhiều hơn tại các thành phố lớn và do đó số lượng người đồng tính ở đây cũng nhiều hơn các khu vực khác. Người đồng tính bị kỳ thị nên họ có xu hướng tìm đến sống ở các thành phố lớn để được vô danh. Ở thành phố đông đúc, ít ai biết ai nên việc tạo ra một vài tụ điểm sinh hoạt riêng của người đồng tính cũng dễ. Tất cả những điều đó khiến người ta có cảm giác số người đồng tính (ở thành phố) tăng lên nhanh chóng và rằng đồng tính là một “căn bệnh dễ lây”. Thực ra, ở VN xưa nay chưa có bất cứ thống kê nào về lượng người đồng tính chứ đừng nói đến thống kê về sự tăng lên của lượng người đó.

Với những trường hợp người ĐTLA được “điều trị” có biến chuyển, lấy vợ, sinh con…, cũng không thể kết luận ngay rằng như thế là “khỏi”, là xong. Tất cả những trường hợp đó (ở Việt Nam) đều không được theo dõi lâu dài. Họ rất có thể là những người lưỡng tính, mà người lưỡng tính thì khi yêu nam khi yêu nữ là chuyện thường, và hầu hết họ lấy vợ, đẻ con. Lấy vợ, sinh con không có nghĩa là đã hết lưỡng tính. Có chăng là khi đã có gia đình thì họ ít đến với người khác hơn, vì trách nhiệm với vợ con, vì thể diện trước xã hội (như bất cứ người dị tính nào). Ngay cả gay (đơn tính), nếu cố gắng vẫn có thể lấy vợ, nhưng cuộc sống gia đình của họ thường là rất khổ sở và như thế cũng không có nghĩa họ thôi là gay.

BS Trần Bồng Sơn cho rằng ĐTLA là một thứ môđen (mốt), nhưng tôi cho rằng chưa từng bao giờ có một thứ môđen như thế. Mốt là thứ được số đông ưa chuộng, chạy theo trong một thời gian nào đó, trong khi người ĐTLA luôn luôn chỉ là một nhóm thiểu số. BS Trần Bồng Sơn cũng chưa từng bao giờ chỉ ra được một cách thuyết phục động cơ và cơ chế cụ thể khiến một người (đồng tính giả) vừa phải làm trái với bản năng tình dục của mình, vừa phải nhận lấy sự kỳ thị, xa lánh của cả gia đình lẫn xã hội.

Vì thế, mặc dù rất trân trọng sự thông cảm của ông đối với những “người đồng tính thật”, nhưng tôi buộc lòng phải nghi ngờ toàn bộ những gì ông nói về “những người đồng tính giả”. Nếu không có những bằng chứng khoa học, tôi sẽ xem ĐTLA giả là sản phẩm của trí tưởng tượng.
-----------
[1]: Xem bài "Đồng tính luyến ái" trên Wikipedia tiếng Việt, phần "Quan điểm tại Việt Nam"

No comments: