Friday, February 9, 2007

Lá thư của một bạn trẻ đau khổ (*)

(*): Đây là bức thư của tôi gửi nhà văn Tô Hoài năm 1998 (lúc đó tôi 23 tuổi). Thư được nhà văn chuyển đến báo Tiền phong Chủ nhật và được đăng vào ngày 24/5/1998.
---

Đây là thư riêng gửi Tô Hoài và nhà văn đã tin cậy trao cho TPCN. Chúng tôi đã đọc nó với một sự thương cảm và nhất trí đăng nguyên vẹn bức thư để ít ra là thêm một thông tin cho những cá nhân và tổ chức nào có thể giúp đỡ người thanh niên đang gần như là tuyệt vọng này.
TPCN

Bác Tô Hoài yêu quí!

Bức thư này xin được coi như một lời kêu cứu của cháu tới bác. Cháu khổ lắm bác Tô Hoài ạ! Vì cháu là một người đồng tính luyến ái.

Gần đây, dư luận xã hội tập trung phê phán những người như cháu rất gay gắt. Cháu chẳng hiểu ra sao cả. Cháu thấy dường như từ lúc sinh ra cháu đã bị như vậy rồi. Cháu là con trai, nhưng hồi nhỏ, cháu rất thích chơi những trò của con gái. Khi lớn lên, cháu đau đớn nhận thấy mình chỉ có thể rung động trước những đứa con trai mà thôi. Vậy mà người ta kết tội cháu nào là vô luân, sa đoạ, trụy lạc, nào là quái đản, bệnh hoạn, là coi thường đạo lí, coi thường truyền thống văn hoá...

Cháu có muốn như vậy đâu? Bản thân cháu cũng không thể hiểu tại sao cháu lại bị như thế. Cháu thấy tình yêu đối với những đứa con trai khác là không thể ngăn nổi, vì nó đích thực là tình yêu và nó chẳng dính dáng gì đến lí trí cả. Cháu đã tập yêu con gái, nhưng không thể. Đứng trước một người con gái, dù đẹp đến mấy, cháu vẫn thấy hoàn toàn thờ ơ.

Chỉ có bác là có thể hiểu cháu và những người như cháu thôi. Cháu đã đọc hồi kí Cát bụi chân ai rất kỹ, nhất là đoạn bác viết về Xuân Diệu. Theo cháu hiểu, bác rất thông cảm và thương Xuân Diệu, nhưng bác lại không hề bênh vực Xuân Diệu. Thậm chí, bác còn gọi những hành vi của Xuân Diệu là "điên" nữa ("Lúc rồ lên, trong đêm tối quyến rũ, mình cũng điên kia mà" - trang 189). Cháu nghĩ người tình dục đồng giới cần được bênh vực, bởi nguyên nhân làm cho họ yêu người đồng giới là do những sai phạm về mặt sinh học thế nào đó, chứ không phải do đầu óc họ bệnh hoạn...

Bác Tô Hoài ơi, bác đã sống nhiều, chắc bác hiểu cuộc đời sẽ vô nghĩa thế nào nếu thiếu tình yêu. Tình yêu là phần đẹp nhất trong cuộc sống của con người. Cả thế giới ca ngợi tình yêu. Nhưng gần như cả thế giới lại tìm cách ngăn cấm tình yêu của chúng cháu. Bác ơi, như vậy người ta đã làm theo lẽ công bằng chưa? Người tình dục đồng giới cũng là người mà! Và đã là người thì phải được quyền yêu chứ? Nếu sống cả đời mà không được yêu thì cháu còn sống làm gì nữa!

Cháu muốn cất lên tiếng nói của mình để đấu tranh giành quyền lợi cho những người tình dục đồng giới và xoá bỏ thành kiến của mọi người. Nhưng cháu còn trẻ quá, lại bất tài, chẳng có vị thế gì cả, nói ra chẳng ai thèm nghe, có khi lại còn bị hắt hủi, vùi dập nữa. Nhiều lúc quẫn trí, cháu muốn chọn một cái chết thật ấn tượng (tự thiêu chẳng hạn) để phản đối sự vô lí trong quan niệm của mọi người. Nhưng cháu lại sợ sự việc sẽ bị chìm đi trong bề bộn các sự kiện khác. Mà thú thực là hiện thời thì cháu chưa dám làm thế. Bởi cháu còn hy vọng. Cháu hy vọng bác giúp đỡ cháu và những người giống như cháu. Tiếng nói của bác có trọng lượng. Người ta không đồng ý ngay thì cũng phải suy nghĩ. Nếu vì những lí do này khác mà bác không thể để công giúp cháu được thì chỉ xin bác gửi lá thư này đến một tờ báo nào đó. Cháu đội ơn bác vô cùng. Cháu tha thiết trông đợi sự giúp đỡ của bác.

Cháu xin chúc bác mạnh khoẻ và viết được nhiều trang văn hay.

Cháu: Phan Ân
---------------

4-5 năm sau, tôi tình cờ thấy bức thư này được in lại trong cuốn "Những vấn đề tâm lý và văn hóa hiện đại" do GS Đặng Phương Kiệt chủ biên.

Tiếp đó, tôi lại bắt gặp thư của mình đăng trên mục "Đồng tính luyến ái trong xã hội hiện đại" của Talawas vào ngày 15/5/2002. Bản trên Talawas lấy nguồn từ báo Sức khỏe & Đời sống, trong đó có đăng kèm ý kiến của GS Đặng Phương Kiệt (Chủ tịch Câu lạc bộ nghiên cứu về tình dục học, Trung tâm khám chữa bệnh số 9 Ngọc Khánh), như sau:

"Thiết tưởng chẳng cần bình luận gì thêm, ta cũng không thể không chia sẽ nỗi "thống khổ" của một thanh niên "bất hạnh" rơi vào cảnh tình dục đồng giới. Dường như điều này nằm ngoài ý muốn của tác giả hoặc đúng hơn là nó hình thành bởi một thúc ép hầu như không cưỡng nổi từ một thế giới vô hình nào đó, một thế giới vô thức. Tác giả bức thư tỏ ra rất sáng suốt, không hề bệnh hoạn, khi "muốn cất lên tiếng nói của mình để đấu tranh đòi quyền lợi cho những người tình dục đồng giới và xóa bỏ thành kiến của mọi người...". Có điều tác giả đã lầm. Có phải gần như cả thế giới mọi người đều thành kiến đâu? Bằng chứng là gần đây, Quốc hội tại một nước Bắc Âu đã chấp thuận một điều luật công nhận tất cả danh dự và quyền công dân của những người tình dục đồng giới. Hơn một tuần trước đây, tại thủ đô 2 nước Pháp và Đức, đã có một cuộc tuần hành vĩ đại chưa từng có gồm một triệu người tình dục đồng giới. Chính vị thị trưởng Paris mới được dân bầu cũng công khai tuyên bố mình là một công dân tình dục đồng giới. Và hẳn ông không phải là kẻ có tội".

Qua ý kiến này của GS Đặng Phương Kiệt, tôi thấy nhận thức của ông về ĐTLA đã có một sự biến chuyển. Trong cuốn "Những vấn đề tâm lý và văn hóa hiện đại" (xuất bản năm 2000), ông cho rằng ĐTLA là một mối xung đột nội tâm (một dạng rối nhiễu tâm lý), hoàn toàn không có tính định mệnh nên "vẫn có thể và chắc chắn có thể khắc phục được"!

Dù sao tôi cũng rất cám ơn nhà văn Tô Hoài, GS Đặng Phương Kiệt, báo TPCN và các báo khác đã đăng lại bức thư mà sau này tôi nghĩ rằng mình viết trong một lúc thấy khốn quẫn.

Ngoài ra, sau khi đăng thư của tôi, trong số báo tiếp sau đó, TPCN đăng ý kiến của một người ĐTLA khác. Rất tiếc tôi không giữ được số báo đó, nhưng tôi nhớ rõ rằng khi đọc bài viết của anh, tôi cảm thấy được chia sẻ rất nhiều.

Phan Huệ Ân - Người Khác

1 comment:

Anonymous said...

Nếu có ai hỏi sự kiện nào gây sự biến chuyển trong nhận thức về vấn đề “gay” của mình, tôi sẽ trả lời ngay tức khắc: chính là bức thư này của Huệ Ân!
Nếu đọc lá thư này của Huệ Ân vào thời điểm này chắc cũng không có cảm xúc gì đặc biệt, khi mà thế giới gay đã được mở cửa hội nhập ít nhiều, thông thương ít nhiều nhờ Internet. Nhưng nếu bạn đọc lá thư này vào đúng thời điểm năm 1998…
Tôi cũng là một người đã tình cờ đọc được lá thư này trên TPCN. Nói tình cờ vì báo TP không có nhiều độc giả tại miền Nam và Trung, tôi cũng không là độc giả của tờ báo này…không rõ vì sao lá thư của Huệ Ân đã đến tay tôi.
Lá thư này đã đến với tôi khi mà tôi, vào thời điểm ấy, như một nhà tu hành khổ hạnh ép xác đầy dằn vặt đau khổ mặc cảm tự ti vì sự “bất thường” về xu hướng tình dục của mình, chợt “ngộ” ra được chân lý đơn giản “Gay vẫn có quyền được tìm kiếm hạnh phúc” với một tiếng nói tri âm tiếp thêm cho tôi sức mạnh.
Cám ơn Huệ Ân. Cuối cùng thì chúng ta cũng đã là bạn
(Rất Bình Thường)