Friday, February 9, 2007

Thư viết dở gửi nhà văn Bùi Anh Tấn

Cách đây mấy năm, đọc "Một thế giới không có đàn bà", thấy trong người ngứa ngáy bèn mở máy viết thư cho tác giả. Viết được nửa chừng, nghĩ thế nào lại thôi (chắc là hết ngứa). Nay đọc lại đoạn dở ấy thấy vui vui:

Anh Bùi Anh Tấn kính mến,

Chắc rằng anh đã phải đọc quá nhiều những bức thư giãi bày, tâm sự, thở than của những người ĐTLA rồi, cho nên tôi sẽ không viết một bức thư tương tự. Thật ra, tôi cũng không có nhu cầu kể lể cho vơi nhẹ hay cần sự thông cảm của anh, mặc dù tôi rất cám ơn anh đã dám viết về thế giới ĐTLA, bất chấp điều tiếng. Dũng cảm là một phẩm chất đáng quý của nhà văn.

Tôi chỉ muốn nêu một số nhận xét thẳng thắn về hai cuốn “Một thế giới không có đàn bà”“Đối thoại với một thế giới không có đàn bà”. Mong anh hiểu rằng đây không phải là những lời chê bôi. Tôi rất trân trọng tâm huyết của anh và thừa nhận giá trị văn học của hai cuốn sách. Chúng rất đáng quý không chỉ với người ĐTLA. Tuy nhiên, từ góc độ của một người ĐTLA yêu văn học, tôi cho rằng hai cuốn sách có một số hạn chế:

1. Tôi cảm thấy thất vọng về phần kết của tiểu thuyết “Một thế giới không có đàn bà”. Đó là một cái kết gượng ép, sống sượng, quá đẹp, quá trơn tru và vì thế không có gì để nói nữa sau khi gấp sách. Người đọc sẽ nhận được một lời khuyên lộ liễu, một thứ giáo huấn thông thường, không có tác dụng hoặc phản tác dụng. Có lẽ cái kết đó sẽ làm vừa lòng những người không phải là ĐTLA, những người có con cái “bị” ĐTLA. Các chi tiết để xây dựng nên cái kết này như sự xuất hiện của các cô gái bạn của Trung và Hoàng thật là dễ dãi và không phù hợp với mạch truyện. Anh đã mô tả những nhân vật của anh bị ĐTLA thật để rồi đến cuối truyện lại đột nhiên biến họ thành những người ĐTLA giả (Giả theo quan niệm của một số bác sĩ. Ở đây tôi tạm coi là có ĐTLA giả) hoặc những người lưỡng tính (bisexual). Hoàng và Trung tách nhau ra không hề có một sự thôi thúc nội tại của tiểu thuyết mà chỉ là sự áp đặt vụng về của người viết. Cả tiểu thuyết anh đã cung cấp rất nhiều tư liệu cho thấy việc dứt bỏ xu hướng tính dục là vô cùng khó khăn, trong đó có cả những dẫn chứng khoa học. Không hiểu sao đến cuối tiểu thuyết anh lại để cho Hoàng và Trung nhẹ nhàng thư thái đến thế trong việc dứt bỏ một thứ bản ngã của mình. Thật là một điều thần kỳ. Điều này cũng giống như anh dày công viết cuốn sách về con voi nhưng đến cuối sách thì lại quay ra viết về cái đuôi của một con chuột.

Như vậy có một vấn đề lớn cuối cùng đã không được đặt ra. Đó là số phận những con người bị ĐTLA thật. Hình như anh đã né tránh? Những người ĐTLA thật, chắc rằng khi đọc xong cuốn tiểu thuyết này họ sẽ bị hẫng hụt. Tác giả đã không thật sự viết về họ, về thế giới những người ĐTLA.

Tuy nhiên, trong cuốn “Đối thoại...”, trong phần tóm tắt tiểu thuyết một thế giới không có đàn bà, anh đã đưa ra một cái kết khác, cái kết rất mở, rất nhân bản mặc dù về mặt hình thức thì không phải là mới. Không rõ anh muốn sửa lại như thế hay anh chỉ đơn giản là anh trả về cho nguyên tác cái kết đáng phải có? (Có thể NXB đã biên tập thành ra một cái kết như vậy cho dễ chịu chẳng hạn).

--

Ảnh nhà văn Bùi Anh Tấn trong bài này là của VietNamNet


No comments: